GIỚI THIỆU VỀ HOA ĐÀO CẢNH LƯU VĨNH SƠN

Hoa đào cảnh Lưu Vĩnh Sơn là giống Đào phai – một trong những giống đào được ưa chuộng ở Việt Nam, đặc biệt vào dịp Tết. Cây đào phai có hoa màu hồng nhạt, phớt hồng, cánh hoa mỏng và thanh nhã hơn so với các loại đào khác. Đào phai thuộc họ cây đào Prunus persica (peach blossom), là loài cây có rụng lá, thân gỗ nhỏ, chiều cao trung bình có thể đạt tới 10 mét. Hoa của cây thường nở vào mùa Đông và mùa Xuân. Ở miền Bắc và Bắc miền Trung, đào phai là loại đào đẹp chơi Tết khá phổ biến bởi dễ trồng mà lại đem đến nhiều may mắn, tài lộc cho gia đình.

Đào có nhiều loại khác nhau, trong đó đào phai là giống đào phổ biến nhất. Đào phai có hoa nhạt màu, phơn phớt hồng, hoa có loại cánh kép, cánh đơn mỏng manh và thanh nhã rải đều trên khắp các cành chi, cành tăm, hoa chen nụ, nụ đỡ hoa như một tình yêu nồng nàn, chan chứa. Có thể cắm nó trong phòng khách sang trọng, phòng lễ tân, trên bàn nhỏ tiếp khách, cũng có thể cắm trên bàn thờ làm hương nếp thêm lung linh huyền ảo.

Từ những đặc tính tự nhiên đó, hoa đào nói chung và đào phai nói riêng đã trở thành một biểu tượng xuyên văn hoá. Giá trị biểu tượng của hoa đào đã vượt biên giới lãnh thổ của một quốc gia, chuyển tải nhiều giá trị văn hoá khu vực và châu lục – những ẩn ngữ văn hoá Á Đông, tiêu biểu là ba nền văn hoá Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Trong văn hoá Việt Nam, biểu tượng hoa đào không bao hàm hết những ý nghĩa biểu tượng như Trung Quốc hay Nhật Bản nhưng nó trở nên gần gũi, giàu ý nghĩa thông qua sự giao lưu, tiếp biến với văn hoá của các quốc gia này. Cũng giống như thú thưởng ngoạn hoa mai, chơi hoa đào cũng là một thú chơi thanh tao, lịch lãm của người Việt; vừa đơn giản dễ dàng, vừa cầu kì chọn lựa. Đơn giản vì lên chợ hoa chọn lấy một cành trong triệu cành là có đào phai chơi Tết. Cầu kì là người chơi đào thế cần mẫn tìm hoa, chọn kiểu, thậm chí mất hàng tháng trời, hàng năm trời để có một cành đào thế, cây đào thế vừa đẹp về hoa về nụ, vừa có thể về dáng về gốc, vừa có ý nghĩa về cành về lộc,…

Ở Hà Tĩnh, đào phai được trồng ở nhiều địa phương như: Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên,… Trong đó, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà là xã nổi tiếng từ lâu trong trồng và kinh doanh cây đào phai. Đây là địa phương trồng đào phai nhiều nhất của huyện Thạch Hà với hơn 600 hộ trồng đào, tổng diện tích hơn 100ha, tập trung chủ yếu ở thôn Kim Sơn. Cứ vào độ cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch, bà con trồng đào xã Lưu Vĩnh Sơn lại tập trung ra vườn chăm sóc, tuốt lá, tỉa cành khô, cành vụn để đào bung nụ đúng vào dịp tết âm lịch. Nghề trồng đào phai ở đây đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập khá, góp phần phát triển kinh tế địa phương.